TPHCM: “Thay não” nền nông nghiệp theo hướng công nghệ cao
TPHCM: “Thay não” nền nông nghiệp theo hướng công nghệ cao
Được đánh giá là địa phương phát triển nông nghiệp theo hướng thâm canh, ứng dụng thành tựu khoa học nhưng tính hiệu quả còn thua xa các quốc gia khác. Để hướng tới nền nông nghiệp công nghệ cao, thành phố sẽ cử nhân sự đi học tập, đào tạo tại nhiều quốc gia.
Theo TS Dương Hoa Xô, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, TPHCM để đưa ngành nông nghiệp từ hình thức nuôi trồng truyền thống sang hiện đại, từ những năm 2000, thành phố đã thực hiện nhiều chiến lược chuyển dịch cơ cấu. Hiện thành phố đã xây dựng được Khu nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm Công nghệ Sinh học phục vụ nghiên cứu, ứng dụng.
Tuy nhiên, trên thực tế việc chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất còn chậm vì vậy hiệu quả kinh tế mang lại trong hoạt động nông nghiệp đến nay vẫn chưa cao. Nếu so sánh với những quốc gia khác trong khu vực và thế giới, nông nghiệp TPHCM nói riêng và ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung đang “ì ạch” chạy theo các quốc gia khác bởi thực trạng thiếu nhân sự chuyên môn có trình độ cao nên tốc độ ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp chậm, sản phẩm nông nghiệp làm ra không tạo được lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Để khắc phục tình trạng trên, UBND thành phố vừa phê duyệt kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao trong giai đoạn 2018 đến 2020. Theo đó, thành phố sẽ gửi 20 nhân sự đi đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ tại các viện trường trong nước và các nước có nền khoa học công nghệ tiên tiến như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Ý, Bỉ, Canada, Israel.
Lĩnh vực đào tạo sẽ tập trung vào ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp: công nghệ sinh học, chăn nuôi (bò sữa, bò thịt, heo), trồng trọt, cá cảnh, nuôi trồng thủy sản (đặc biệt lĩnh vực nghiên cứu về giống, di truyền giống, di truyền phân tử và quản lý sản xuất giống), bảo vệ thực vật, thú y, chế biến và bảo quản nông lâm thủy sản. Các nhân sự sau đào tạo sẽ có trình độ kỹ thuật cao, kỹ năng sử dụng vận hành công nghệ và làm chủ công nghệ trong sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ triển khai các lớp cập nhật thông tin kiến thức về tiến bộ khoa học công nghệ, kỹ năng thực hành ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp cho khoảng 1.800 cán bộ quản lý khoa học và công nghệ, cán bộ nghiên cứu, cán bộ kỹ thuật, cán bộ cấp cơ sở, chủ doanh nghiệp, người quản lý, kỹ thuật viên, xã viên hợp tác xã. Gần 3.000 lao động trong nông nghiệp sẽ được đào tạo tay nghề để tham gia từng khâu trong dây chuyền sản xuất áp dụng nông nghiệp công nghệ cao.