Quảng cáo thực phẩm organic: Vì sao ai cũng "nổ"?
Quảng cáo thực phẩm organic: Vì sao ai cũng "nổ"?
Trước vấn nạn thực phẩm bẩn, không an toàn, người tiêu dùng bắt đầu quan tâm tìm kiếm nhiều hơn các sản phẩm hữu cơ.
Các mặt hàng hữu cơ trên thị trường cũng khá phong phú. Tuy vậy, người tiêu dùng vẫn khó có thể mua được sản phẩm hữu cơ thật sự vì việc quản lý loại hình này đang có nhiều bất cập gây khó cho bên bán lẫn bên mua.
Rất nhiều thực phẩm được quảng cáo là thực phẩm hữu cơ
Tại các cửa hàng thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ không khó để tìm thấy các sản phầm phong phú từ rau, thịt, cá đến các sản phẩm thịt, sữa, trà được đóng nhãn bao bì là hữu cơ, có hàng được sản xuất trong nước và cả ngoại nhập. Chiếm ưu thế là các loại rau, củ, trong đó có sản phẩm trên bao bì gắn tem, nhãn, chứng chỉ hữu cơ quốc tế như USDA Organic (của Bộ Nông nghiệp Mỹ), EU Organic Bio (Ủy ban Liên minh châu Âu), EU Organic Farming (Liên minh châu Âu) hay chứng chỉ PGS (một tiêu chuẩn của Việt Nam được Liên đoàn quốc tế các phong trào nông nghiệp hữu cơ (IFOAM) chấp nhận và phát triển từ năm 2004).
Nhưng phần nhiều sản phẩm được các nhân viên tại cửa hàng giới thiệu là sản phẩm hữu cơ, được trồng theo hướng hữu cơ tại các trang trại… mà chưa được tổ chức quốc tế hay một đơn vị độc lập nào cấp giấy chứng nhận. Trên bao bì thường chỉ có tên sản phẩm, tên, địa chỉ cửa hàng, có khi thêm địa chỉ nơi trồng chứ không có bất kỳ tem nhãn, chứng chỉ, dấu hiệu nào chứng tỏ đó là sản phẩm hữu cơ.
Và giá của các loại thực phẩm này cũng đắt gấp 2 -3 lần thực phẩm bán ngoài chợ hay siêu thị. Theo GS. TSKH Trần Duy Quý - nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam, Việt Nam chưa có cơ quan nhà nước nào chứng nhận cho sản phẩm hữu cơ. Đa số chứng nhận sản phẩm hữu cơ là của các tổ chức nước ngoài có thẩm quyền như USDA (Bộ Nông nghiệp Mỹ), Ecocert (EU), IFOAM (Liên đoàn Quốc tế các phong trào canh tác hữu cơ), Công ty Control Union…
Sản xuất hữu cơ phải áp dụng các quy tắc nghiêm ngặt
Hiện nay đang đánh đồng sản phẩm an toàn sản xuất theo quy trình chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP. Các sản phẩm này vẫn có thể vẫn dùng phân bón hóa học, hoặc thuốc trừ sâu nhưng được cách ly theo quy định. Ví dụ như quy định phun thuốc trừ sâu trước thu hoạch từ 20 -25 ngày. Còn nếu là sản xuất hữu cơ, dù có sâu bệnh, người sản xuất cũng phải bắt bằng tay, hoặc tự bào chế thuốc từ cây cỏ để trừ sâu.
“Hữu cơ có nghĩa là phải chuẩn từ đầu vào tới đầu ra, từ làm đất cho tới sử dụng giống, phân bón…. Đất phải được xử lý từ 2-3 năm, khi phân tích đất không có kim loại nặng và vi sinh vật gây hại mới được trồng. Khi trồng toàn bộ dùng phân hữu cơ tuyệt nhiên không được dùng phân hóa học, thuốc trừ sâu, đồng thời để trong điều kiện tự nhiên, không dùng giống biến đổi gen. Đặc biệt phải được tổ chức hữu cơ của thế giới chứng nhận thì mới được. Hiện, tôi cũng đang được mời để xây dựng tiêu chí để xây dựng trang trại rau sạch hữu cơ cho một doanh nghiệp dựa trên tiêu chuẩn của EU và Mỹ. Nhưng những điều kiện rất khó khăn và phức tạp hơn nhiều. Doanh nghiệp này mới bước vào quá trình cải tạo đất bằng cách trồng lạc đậu tương để lấy thân vùi vào đất tạo phân bón hữu cơ, cải tạo đất…” – ông Quý cho hay.
Từ góc độ kinh doanh, thực phẩm hữu cơ đang trở thành một trào lưu tiêu dùng cũng như đầu tư sản xuất. “Từ những bấp cập trong công tác quản lý chứng nhận hữu cơ, người tiêu dùng nên tỉnh táo, cần kiểm tra nguồn gốc rõ ràng, tránh việc bị lừa đảo. Doanh nghiệp kinh doanh cũng cần làm rõ tránh việc nhập nhèm tranh tối tranh sáng” – ông Quý chia sẻ.