Liên kết tiêu thụ trái cây ở ĐBSCL: Những tín hiệu lạc quan
KTNT - Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng của các vùng chuyên canh cây ăn trái, nông dân nhiều địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để liên kết với doanh nghiệp thúc đẩy việc tiêu thụ trái cây. Tuy quy mô còn nhỏ nhưng đây được coi là tín hiệu tích cực để hình thành các chuỗi sản xuất khép kín.
Xoài cát và quýt hồng Lai Vung là hai đặc sản trái cây nổi tiếng của Đồng Tháp.
Nông dân - doanh nghiệp cùng có lợi
Tỉnh Tiền Giang hiện có 72.850ha cây ăn trái, sản lượng thu hoạch 1,3 triệu tấn quả/năm. Trên địa bàn tỉnh bước đầu hình thành một số vùng chuyên canh cây ăn trái như: xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng Ngũ Hiệp, khóm (dứa) Tân Phước, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, thanh long Chợ Gạo, bưởi long Cổ Cò, nhãn Nhị Quí, chôm chôm Tân Phong, sơ ri Gò Công…
Đến thời điểm này, Tiền Giang đã thành lập được 13 hợp tác xã (HTX), 33 tổ hợp tác sản xuất (THTSX) tiêu thụ trái cây. Các HTX và tổ hợp tác bước đầu đã gắn kết nhà vườn, doanh nghiệp tổ chức sản xuất và tiêu thụ một số cây ăn trái hiệu quả như xoài, sầu riêng, thanh long, khóm, vú sữa, bưởi, sa pô (hồng xiêm)... Điển hình như HTX xoài Hòa Lộc, HTX Sầu riêng Ngũ Hiệp, HTX sản xuất và tiêu thụ thanh long xã Mỹ Tịnh An, HTX nhãn Nhị Quý, HTX Khóm Quyết Thắng, HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim...; THTSX ổi, cam sành Mỹ Lợi A, THTSX sa pô Mặc Bắc Kim Sơn, THTSX chôm chôm Tân Phong,...
Hàng năm, các HTX và THT chuyên canh trái cây đặc sản trên địa bàn tỉnh đều ký hợp đồng với các doanh nghiệp tiêu thụ trái cây các loại. Riêng trong năm 2015, 10/13 HTX đã ký hợp đồng với các đối tác như: Công ty TNHH Thịnh Phát, Tập đoàn Metro Cash & Carry, Công ty TNHH Phương Anh (Hà Nội),... với sản lượng tiêu thụ 638 tấn/năm. Tuy nhiên, các HTX này chỉ cung cấp theo mùa vụ, không có hợp đồng ràng buộc cụ thể.
Bến Tre là tỉnh đứng thứ 3 trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long về diện tích cây ăn trái với cơ cấu, chủng loại khá phong phú. Các mô hình THT sản xuất cây ăn trái theo tiêu chuẩn GAP bước đầu phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, thương hiệu trái cây của Bến Tre. Đến nay, toàn tỉnh có 102 THT sản xuất cây ăn trái, trong đó có 25 mô hình sản xuất được cấp chứng nhận GAP, gồm 3 mô hình GlobalGAP và 22 mô hình VietGAP.
Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất xoài như vườn xoài kiểu mẫu, sản xuất xoài theo hướng an toàn, sản xuất xoài rải vụ, sản xuất xoài thâm canh, mô hình xoài đạt chuẩn VietGAP (46,3ha), Global GAP (43,709ha); đã chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như tỉa cành, tạo tán, xử lý ra hoa, bao trái, rải vụ …; tiến bộ kỹ thuật đã được đa số nhà vườn trồng xoài áp dụng. Trên địa bàn tỉnh cũng có 31 vựa mua bán xoài và 1 chợ đầu mối trái cây. Xoài chủ yếu được tiêu thụ ở thị trường trong nước, phần lớn là ở TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội, một số lượng nhỏ tham gia thị trường xuất khẩu. Một tín hiệu đáng mừng là, trong năm 2015, HTX xoài Mỹ Xương và các chủ vựa trên địa bàn huyện đã tổ chức liên kết tiêu thụ được 956 tấn xoài (xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông - Trung Quốc) với giá trung bình 25.000 - 30.000 đồng/kg; cao hơn thị trường cùng thời điểm 3.000 - 5.000 đồng/kg. Các doanh nghiệp như Goodlight, Yasaka, Lan Anh đã thu mua khoảng 10 tấn xoài của nhà vườn trên địa bàn thành phố Cao Lãnh xuất sang Nhật, Hàn Quốc, New Zeland.
Trong khi đó, ngành nông nghiệp Hậu Giang cũng đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP như: Chanh không hạt của HTX nông nghiệp Thạnh Phước với hơn 13ha, bưởi Năm Roi Phú Hữu (quy mô 54ha) đã được Công ty The Fruit Republic (Hà Lan) bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Hay sản phẩm khóm Cầu Đúc đã đạt tiêu chuẩn VietGAP, ngoài việc tiêu thụ tươi thì tỉnh đã có một nhà máy chế biến khóm đóng hộp nên đầu ra luôn ổn định. Quýt đường Long Trị, cam sành Ngã Bảy, xoài cát Hòa Lộc,... là những sản phẩm trái cây nổi tiếng của Hậu Giang đã khẳng định được thương hiệu và đang hình thành những chuỗi sản xuất - tiêu thụ bền vững.
Tại Long An, ngành nông nghiệp đã và đang hỗ trợ các doanh nghiệp, địa phương, tập thể, hộ nông dân sản xuất xây dựng mối quan hệ liên kết sản xuất - tiêu thụ, ưu tiên cho các sản phẩm chủ lực đang tập trung hỗ trợ phát triển: bưởi, cam, nhãn, chôm chôm, xoài. Tuy nhiên, kết quả liên kết này còn ở diện hẹp, chưa có nhiều mô hình liên kết đúng nghĩa có tính pháp lý (hợp đồng kinh tế) và sự liên kết chưa thật sự bền vững. Việc liên kết phổ biến tại địa phương được phân thành hai phân khúc: đại diện THTSX/thương lái hợp đồng (thỏa thuận miệng) với nông dân thu mua sản phẩm, đại diện THTSX/thương lái hợp đồng (miệng/văn bản) cung ứng sản phẩm cho doanh nghiệp theo mùa vụ với giá ổn định (giá chết) hoặc giá thị trường tại thời điểm cung ứng. Không chỉ sản phẩm được sản xuất theo quy trình truyền thống mà các sản phẩm GAP cũng được tiêu thụ bằng hình thức này.
Tại tỉnh Vĩnh Long, bước đầu có một số mô hình thực hiện được sự liên kết sản xuất-tiêu thụ bằng hợp đồng, hình thành kênh tiêu thụ riêng, mang lại hiệu quả cho nhà vườn, như: Mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ bưởi Năm roi ở Mỹ Hòa, Bình Minh. Công ty TNHH Thương mại MTV Hương Bưởi Mỹ Hòa sau khi tham gia thực hiện chương trình GlobalGAP của dự án với vai trò là chủ thể đã phối hợp với chính quyền địa phương vận động tổ viên 2 THT sản xuất bưởi Năm Roi ấp Mỹ An và ấp Mỹ Thới của xã tham gia chương trình với hợp đồng liên kết hỗ trợ sản xuất - thu mua sản phẩm trong mô hình (39 ha) theo giá thị trường, đồng thời hỗ trợ 1 triệu đồng/tấn cho bưởi loại 1 (xuất khẩu). Trong năm 2015, công ty đã thu mua 900 tấn bưởi các loại cho nhà vườn ở Mỹ Hòa, trong đó sản lượng đạt GAP xuất khẩu khoảng 250 tấn. Đầu tháng 3/2016, qua công ty liên kết, Công ty đã xuất được 1 container (17 tấn) sản phẩm bưởi Năm roi đạt GAP sang châu Âu.