Giống lê được yêu thích của Nhật Kousui chính thức được xuất khẩu sang thị trường Việt Nam
Giống lê được yêu thích của Nhật Kousui chính thức được xuất khẩu sang thị trường Việt Nam
Vào lúc 15g00 ngày 23 tháng 08 năm 2017, DNTN Sản Xuất Thương Mại Dịch Vụ Tú Phượng - đơn vị phân phối chính thức Lê Nhật Bản tại Việt Nam đã tổ chức buổi giới thiệu sản phẩm trái lê Nhật Bản tại Lầu 3, Trung Tâm Thương Mại Takashimaya, 65 Lê Lợi, P. Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM.
Tại buổi ra mắt, Ông Kawwada, một viên chức của chính phủ vùng Ibaraki chuyên trách về lập các chính sách nông nghiệp đã hơn 30 năm qua, Giám đốc Cục kinh doanh và xúc tiến thương mại thuộc Bộ Nông Nghiệp từ năm 2016 có chia sẻ: “Trong đợt gặp gỡ và trao đổi giữa ông Masaru Hashimoto, Tỉnh trưởng vùng Ibaraki Nhật Bản và ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hai bên đã xác nhận tiếp tục phát triển mối quan hệ giao thương tốt đẹp giữa hai quốc gia.”
“Trong lĩnh vực nông nghiệp, chính quyền vùng Ibaraki cũng đã xây dựng được mối quan hệ thân mật với các tỉnh của Việt Nam như tỉnh Nam Định, Đồng Tháp và Hà Nam trong việc hợp tác về lĩnh vực nông nghiệp. Trong bối cảnh đó, chính phủ Việt Nam đã chấp thuận cho việc nhập khẩu quả Lê Nhật vào thị trường Việt Nam vào tháng 01 năm nay 2017. Và ngày hôm nay, chúng tôi rất hân hạnh được giới thiệu đến các bạn quả Lê được thu hoạch từ vùng chúng tôi. Trong tháng Chín sắp tới, nhiều giống lê Nhật Bản khác như Hosui, Akizuki và Niitaka sẽ được chuyển đến thị trường Việt Nam và các bạn sẽ có thể so sánh các hương vị khác nhau của từng loại.”
Theo nhà phân phối, đây là các trái lê thuộc khu vực Ibaraki (Tây Bắc Kanto, Nhật Bản) - nơi có sản lượng quả lê lớn thứ hai quốc gia này. Khí hậu Ibaraki có sự chênh lệch nhiệt độ lớn giữa ngày và đêm; sở hữu nguồn nước dồi dào cùng tính chất đất phù hợp với việc trồng quả lê.
Trước đó, giống lê đầu tiên của Ibaraki được xuất khẩu sang Việt Nam là Kousui của thành phố Shitotsuma. Đây là sản phẩm chiếm 40% sản lượng lê tại Nhật Bản và cũng được nhiều người tiêu dùng nước này yêu thích nhất.
Người trồng lê sử dụng thiết bị cảm biến ánh sáng để kiểm tra hàm đường nhằm đưa ra thị trường những trái lê có chất lượng. Các sản phẩm lê của Shitotsuma cũng có mặt tại thị trường nước ngoài như: Malaysia, Thái Lan, Singapore...
Shitotsuma đang tập trung phát triển thương hiệu lê của riêng thành phố. Những trái lê Kousui chín được lựa chọn kỹ lưỡng và hái từ trên cây có tên “lê Shitotsuma Kanjyuku”.
Tại Nhật Bản, cùng với vị ngon, yêu cầu về độ an toàn của người tiêu dùng với trái lê khá cao.
Bên cạnh đó, sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất cũng rất khốc liệt. Họ có nhiều ý tưởng và bỏ ra công sức hàng năm trời để canh tác giống cây này. Dù phương thức sản xuất có sự khác biệt theo từng giống lê nhưng thời gian thu hoạch và đưa hàng ra thị trường thường từ tháng 8 đến tháng 10 hàng năm.
Dựa vào màu vỏ, trái lê Nhật Bản, gồm hai loại chính là “Lê đỏ” và “Lê xanh”. Vị của hai loại lê này khác nhau; trong khi lê đỏ ngọt và mọng nước thì lê xanh lại có vị mát, dịu nhẹ, giòn tan.
Tại Nhật Bản, người dân phát hiện ra lê có thể ăn được từ thời Yayoi (khoảng thế kỷ X trước Công nguyên - giữa thế kỷ III sau Công nguyên). Trong cuốn sách sử “Nhật Bản thư kỉ” thời Nara (710-794) cũng ghi chép lại việc canh tác lê rất được khuyến khích. Đến thời Edo (1603- 1868), có hơn 150 giống lê được lai tạo tại quốc gia này.
Gần 90% là nước, quả lê Nhật Bản chứa thành phần hồi phục cơ thể khỏi sự mệt mỏi. Có lẽ, chỉ cần cắn một miếng lê mát lạnh, những mệt mỏi vì cái nắng nóng của mùa hè Việt Nam cũng sẽ được xua tan.
Vị ngọt đậm đà, mọng nước, giòn tan trong miệng chính là niềm tự hào của lê Nhật Bản. Đây là loại trái cây không thể thiếu trong suốt quãng thời gian Nhật Bản chuyển mình từ hạ sang thu.
Vào tháng 1 năm 2017, lệnh cấm xuất khẩu lê Nhật Bản đến Việt Nam đã được bãi bỏ. Loại cây được người Nhật yêu thích từ xa xưa sẽ tới Việt Nam vào đúng tháng 8 năm 2017, mùa lê đậu quả. Trái lê Nhật sẽ được bán trong hầu hết hệ thống các siêu thị tại Việt Nam.