Xuất Khẩu rau quả: Đã đến lúc tìm đường khó để đi
KTNT - Từ trước đến nay Mỹ, EU, Nhật Bản… luôn được coi là thị trường khó tính của nhiều mặt hàng xuất khẩu (XK), tuy nhiên, càng khó thì cơ hội càng hấp dẫn. Giống như nhiều mặt hàng XK khác, đã đến lúc ngành rau quả cần tìm đường khó để đi, tránh lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, đồng thời nâng cao giá trị cho rau quả Việt Nam trên trường quốc tế.
Sơ chế thanh long xuất khẩu.
Thách thức luôn cao
Mấy năm qua, rau quả tươi xuất sang EU, như: ớt, rau húng, quế, thanh long… thường bị cảnh báo về mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm. Thậm chí, có thời điểm EU đưa ra cảnh báo sẽ cấm toàn bộ các mặt hàng rau quả của Việt Nam nếu phát hiện đủ 5 lô hàng không đảm bảo. Điều này khiến cơ quan quản lý Nhà nước phải áp dụng phương án tạm dừng XK để chấn chỉnh.
Tình trạng một số mặt hàng rau quả của Việt Nam XK vào EU thường xuyên bị cảnh báo về mặt chất lượng, các chuyên gia cho rằng, do EU là thị trường nhập khẩu lớn với những yêu cầu, tiêu chuẩn cao. Trong khi đó, quá trình sản xuất, đặc biệt là bảo quản sau thu hoạch các sản phẩm nông sản nói chung, mặt hàng rau quả nói riêng của Việt Nam còn nhiều bất cập. Hệ thống sản xuất vẫn manh mún, khó kiểm soát, chưa đủ điều kiện để đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật đặt ra.
Bên cạnh đó, một trong những yếu tố quan trọng dẫn tới trình trạng trên là bởi các doanh nghiệp chưa chủ động và thiếu trung thực. Trên thực tế, khi XK sản phẩm sang các thị trường khó tính, sản phẩm phải đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt, như: phải chiếu xạ hay khử trùng... Nếu làm đầy đủ tất cả các yêu cầu đặt ra thì doanh nghiệp sẽ bị đội chi phí, gây tổn thất, nên một bộ phận doanh nghiệp có tâm lý lách được bao nhiêu tốt bấy nhiêu.
Theo các chuyên gia, mặc dù, các loại rau gia vị bị EU cảnh báo nhiều lần trong thời gian qua có kim ngạch XK không lớn trong tổng số kim ngạch XK rau quả nói chung, tuy nhiên nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn, lâu dài có thể gây ra những hậu quả khó lường. Đó là làm giảm uy tín, tạo ấn tượng xấu đối với sản phẩm rau quả XK không chỉ ở thị trường EU mà cả các thị trường khác.
Về những rào cản kỹ thuật của nhập khẩu nông sản, thường chỉ cần nghiên cứu kỹ và áp dụng đúng theo các tiêu chuẩn đã được quốc tế công nhận thì có thể ung dung tiến vào thị trường nước bạn. Tuy nhiên, ngành hàng thực vật, đặc biệt là rau quả, thì không phải vậy.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết: “Mỗi nước có điều kiện khí hậu khác nhau nên sẽ có cơ cấu cây trồng khác nhau. Chính vì vậy, hầu như không có nước nào “liên thông” việc kiểm dịch thực vật. Điều này cũng được quy định rõ ngay cả trong công ước quốc tế.
Cũng chính vì quy định này nên song song với các tiêu chuẩn kỹ thuật giúp nhập khẩu rau quả an toàn, nhiều nước đã lập nên những rào cản kỹ thuật để bảo hộ các mặt hàng trồng trọt trong nội địa. Trong hội nhập sâu, nhất là khi tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), lộ trình thuế suất giảm dần cũng đồng nghĩa với việc các rào cản kỹ thuật như điều kiện kiểm dịch, an toàn thực phẩm sẽ tăng lên.
“Đây là một trong những khó khăn nổi cộm trong XK trái cây. Hồ sơ một loại trái cây để được một quốc gia chấp nhận nhanh thì mất 1 năm, còn trung bình khoảng 3-4 năm, thậm chí lâu hơn, có thể tới 10 năm”, ông Trung nhấn mạnh.
Giá thành và chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với nhóm quả tươi XK hiện nay là thách thức lớn trong XK. Riêng đối với TPP, trong số 12 nước tham gia TPP thì khá nhiều nước thuộc thị trường “khó tính” đối với việc nhập quả tươi, nổi bật là Mỹ, Nhật Bản, Australia, New Zealand. Yêu cầu rau quả xuất đi nhóm thị trường này là phải sản xuất theo VietGAP, tuân thủ không sử dụng một số nhóm thuốc trừ dịch hại nhất định.
Đừng để đứt chuỗi sản xuất
Để kim ngạch XK rau quả tiếp tục tăng trưởng mạnh, theo ông Hoàng Trung, song song với kiểm soát chất lượng trồng trọt rau quả tại nội địa, chúng ta cần bám sát các quy định nhập khẩu của các thị trường, không chỉ đơn thuần là tuân thủ mà những rào cản kỹ thuật có chiều hướng thương mại đã được tính toán đàm phán để mở cửa thị trường nhanh nhất, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiến sâu vào sân chơi giàu tiềm năng về kinh tế này.
Do đó, cần quan tâm xây dựng, mở rộng những mô hình HTX kiểu mới như ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)... Không chỉ liên kết với nhau để sản xuất, các HTX rau quả còn phải liên kết với các siêu thị, doanh nghiệp để hình thành những chuỗi giá trị tiêu thụ rau quả trong nước và XK.
Sản xuất rau quả hữu cơ hướng tới XK cũng cần phải được chú trọng ngay từ bây giờ để mở thêm thị trường cho rau quả Việt Nam. Sản xuất hữu cơ có thể bắt đầu từ những loại trái cây ít sâu bệnh như chuối già, thanh long, dứa… Đồng thời, chú trọng hỗ trợ kỹ thuật để phát triển những loại cây mà nông dân Việt Nam còn lạc hậu về kỹ thuật nhưng lại có tiềm năng lớn về thị trường như chanh dây, bơ…
Để xử lý việc một số loại rau quả, đặc biệt là rau gia vị XK sang EU thường xuyên bị cảnh báo vì chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, chúng ta cần đầu tư xây dựng chuỗi sản xuất bài bản, đồng bộ từ khâu đầu tới khâu cuối, đặc biệt là khâu xử lý sau thu hoạch.
Liên quan tới vấn đề này, chuyên gia rau quả, ông Đào Thế Anh cho rằng, muốn đảm bảo sự phát triển bền vững ngành rau quả, thúc đẩy kim ngạch XK, mấu chốt là phải chủ động kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm trước khi XK, rau quả phải được tổ chức sản xuất theo chuỗi khép kín từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng, chứ không phải là chờ đợi phía “bạn” cảnh báo thì phía “ta” mới bắt đầu xử lý.
Trên thực tế, hiện nay sản xuất rau quả của Việt Nam áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP đã làm tương đối tốt ở khâu gieo trồng, sản xuất, song công tác xử lý sau thu hoạch chưa ổn. Vì vậy, khi đầu tư sản xuất theo chuỗi, tăng cường đầu tư, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong khâu xử lý sau thu hoạch là điều rất quan trọng. Muốn làm tốt khâu này, chi phí bỏ ra tương đối lớn, riêng bản thân doanh nghiệp khó “gánh” nổi. Do vậy, về lâu dài, doanh nghiệp rất cần sự chung tay, hỗ trợ cả về chủ trương lẫn tài chính của Nhà Nước.
Đầu tư chiều sâu
TS.Võ Mai, Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cho rằng, đầu tư vào chế biến rau quả chính là hướng đầu tư theo chiều sâu để đa dạng sản phẩm XK. Hiện nay, sản phẩm rau quả chế biến của Việt Nam còn khá đơn điệu. Trong khi đó, ở nhiều nước XK rau quả, với mỗi loại trái cây, họ đã chế biến thành nhiều sản phẩm khác nhau để phục vụ nhu cầu đa dạng của thị trường nội địa và XK, như Chile có tới 5 - 6 sản phẩm từ trái xoài và nhiều sản phẩm từ trái thanh long…
Còn theo ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam, tiềm năng XK rau quả của Việt Nam còn rất lớn trong tương lai, khi thị trường rau quả chế biến toàn cầu năm 2014 đạt khoảng 203 tỷ USD và có mức tăng trưởng 7,9%/năm, dự báo đạt 319 tỷ USD vào năm 2020. Tuy nhiên, giá trị XK rau quả của Việt Nam dù đang tăng trưởng mạnh nhưng còn khá khiêm tốn so với nhu cầu và khả năng.
“Thị trường rau quả thế giới đang phát triển mạnh với nhu cầu cao. Người nông dân Việt Nam đã bắt đầu nhận thức và thay đổi tập quán canh tác, áp dụng các mô hình sản xuất thực hành nông nghiệp như VietGAP, đảm bảo an toàn giúp gia tăng thêm giá trị cho nông sản. Ngành rau quả có tiềm năng phát triển trong thời gian tới, đặc biệt khi có sự tham gia nhiều hơn của các doanh nghiệp với công nghệ cao, giống mới chất lượng của các viện nghiên cứu và nông dân áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến là những yếu tố sẽ đưa lại thành công cho ngành rau quả”, ông Trần Đình Long nhận định.
Ông Lê Sơn Hà, Trưởng phòng Kiểm dịch, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp va PTNT), cho rằng, trái cây Việt Nam ngày càng có mặt tại những thị trường khó tính, từ đó cũng đòi hỏi chất lượng ngày càng phải tăng cao.
“Sắp tới, Cục sẽ nghiên cứu nhu cầu của các thị trường và tập trung vào những thị trường có nhu cầu tiêu thụ lớn và có giá trị cao. Đồng thời, Cục sẽ khai thác các thị trường tiềm năng trong khu vực ASEAN và Trung Quốc… Với mỗi thị trường cần phải có giải pháp riêng, để XK hiệu quả cao hơn”, ông Hà cho biết.
Ông Nguyễn Trí Ngọc, chuyên gia tư vấn thị trường, Công ty CP Tiến bộ quốc tế, Tập đoàn AIC – doanh nghiệp chuyên XK nông sản và đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, cho rằng, việc khơi thông những thị trường khó tính mang lại “lợi ích kép” khi vừa tránh cho rau quả phụ thuộc vào một thị trường, vừa giúp cho người nông dân thay đổi thói quen, phương thức sản xuất, chuyển từ bán cái mình có sang bán những gì thị trường cần.
Đây cũng là hướng đi tất yếu mà ngành nông nghiệp nói chung, lĩnh vực nông sản nói riêng cần hướng tới trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với thị trường thế giới.
“Hội nhập kinh tế đòi hỏi ngành sản xuất phải đi theo chuỗi giá trị, chính điều này tạo ra sự phát triển bền vững đối với nông sản Việt Nam, tạo ra sự ổn định thu nhập cho nông dân khi hướng ra thị trường quốc tế. Điều này còn có ý nghĩa rất lớn đối với các doanh nghiệp XK, bởi chất lượng là yếu tố quyết định hiệu quả kinh doanh nông sản của doanh nghiệp khi thâm nhập thị trường và ký kết hợp đồng với các đối tác”, ông Ngọc chỉ rõ.
Rau quả XK tăng trưởng mạnh trong 9 tháng đầu năm trong bối cảnh sản xuất nông sản còn gặp nhiều khó khăn cho thấy, ngành rau quả có thế mạnh ngày càng lớn nếu được đầu tư đúng mức. Bên cạnh việc đẩy mạnh quy hoạch vùng trồng, hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật, chính sách tín dụng cho vay ưu đãi, ngành nông nghiệp cần quan tâm đầu tư công nghiệp chế biến, qua đó nâng cao giá trị nông sản, tránh được tình trạng dư thừa và phụ thuộc vào thị trường do nông sản mang tính thời vụ.