Ứng dụng công nghệ cao trong sản suất nông nghiệp.
Lào Cai: Ứng dụng công nghệ cao trong sản suất nông nghiệp
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai là một hướng đi mới trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng hiệu quả kinh tế trên diện tích đất canh tác, góp phần xóa đói giảm nghèo, đồng thời, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).
Tới hết năm 2017, toàn tỉnh Lào Cai có 1.229,7ha đất nông nghiệp sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Trong đó có 282 ha là trồng rau; 105,3 ha trồng hoa; 176 ha trồng dược liệu; 124 ha cây ăn quả ôn đới; 60 ha sản xuất lúa giống; 483 ha chè. Giá trị sản phẩm trên đơn vị canh tác ứng dụng công nghệ cao bình quân ước 229,55 triệu đồng. Sản xuất theo hướng ứng dụng một phần công nghệ cao tăng nhanh, đạt 7.765 ha bao gồm: 4.279 ha cánh đồng một giống, ứng dụng canh tác lúa cải tiến - SRI; 438 ha rau an toàn; 1.135 ha chuối; 880 ha dứa; 631 ha cây ăn quả ôn đới và 402 ha chè tập trung tại các huyện Mường Khương, Bảo Thắng, Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Bảo Yên.
Ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai, cho biết: Việc sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang được tỉnh Lào Cai đặc biệt quan tâm, nhất là các huyện có triển vọng trong phát triển công nghệ cao vào sản xuất. Khi ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, như giống cây ăn quả ôn đới sẽ nâng cao chất lượng cây giống và tỉ lệ cây xuất vườn, khắc phục được rủi ro của biến đổi thời thiết khí hậu như mưa đá, khô hạn... vì cây ươm được trồng trong hệ thống nhà màng, nhà kính, tưới tự động. Cây trồng cũng được ứng dụng các công nghệ cao trong chăm sóc nên sản phẩm đầu ra cho năng suất và chất lượng vượt trội.
Năm 2017, nghành nông nghiệp Lào Cai đã xuất trên 15 vạn cây gốc ghép cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao gồm 4 vạn cây đào; 3 vạn cây mận và 8 vạn cây lê, đáp ứng nhu cầu trồng mới cây ăn quả ôn đới của tỉnh Lào Cai. Hiện đang nghiên cứu, khảo nghiệm đánh giá một số giống cây ăn quả mới (mận, lê, sơ ri…) tại vườn Trại thuộc Trung tâm. Tiếp tục chăm sóc bảo vệ và theo dõi tình hình sinh trưởng của các vườn cây giống gốc (Cây lê VH6, cây Mận Tam hoa Bắc Hà, các giống hồng Fuyu, Jijo…).
Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ cao vào trồng và sản xuất cây dược liệu hiện nay tại Lào Cai đang là một hướng đi đột phát cho phát triển kinh tế của tỉnh Lào Cai, trong năm 2017 toàn tỉnh Lào Cai có 900 ha trồng dược liệu. Trong đó, cây dược liệu chính đang được trồng tập trung với diện tích lớn như: Actisô (77 ha), Đương quy (48,7 ha), Chè dây (16,5 ha), Xuyên khung (105,3 ha), Tam Thất (3,2 ha), Ý dĩ (40 ha), Hồi (22,6 ha), Sa nhân (398,6 ha) còn lại là các loại dược liệu khác như: Đan sâm, Cát cánh, Phòng phong, Bạch truật, Bìm bìm, Ban, Chùa dù, Hà thủ ô, Giảo cổ lam, Khổ sâm …với quy mô dược liệu tại huyện Sa Pa đạt 108 ha, Bắc Hà đạt 68 ha, Si Ma Cai đạt 122 ha, Bát Xát đạt 279,2 ha, Mường Khương đạt 232,1 ha và Văn Bàn đạt 37,6 ha.
Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 duy trì và phát triển vùng trồng cây dược liệu đạt quy mô 1.900 ha. Trong đó, phát triển nhóm cây dược dược trên đất hàng năm 795 ha (Actisô, Đương quy, Độc hoạt, Xuyên khung, Bạch truật, Tam thất và Ý dĩ), nhóm cây dược liệu lâu năm trên đất lâm nghiệp 1.105 ha (Chè dây, Hồi và Sa nhân tím); tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 4.800 hộ với gần 15.000 lao động, giảm nghèo cho trên 2.000 hộ; tỉnh Lào Cai đã phê duyệt Dự án "Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và phát triển cây dược liệu giai đoạn 2016 – 2020” nhằm đảm bảo cung cấp dược liệu đủ tiêu chuẩn đồng thời nhờ phát triển dược liệu để xóa đói giảm nghèo.
Anh Nguyễn Văn Giỏi, một nhà vườn ứng dụng công nghệ cao trong trồng cây hoa tại huyện Sa Pa, Lào Cai cho biết: Từ khi tham gia trồng hoa ứng dụng công nghệ cao, gia đình anh đã được tỉnh Lào Cai cho vay vốn còn có cả cán bộ xuống để hướng dẫn cách trồng và chăm sóc các loại hoa. Năm 2015, gia đình anh Giỏi mạnh dạn đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà kính kết hợp hệ thống tưới ... đồng thời sử dụng các loại giống sạch bệnh cho năng suất, chất lượng cao do các đơn vị tổ chức sản xuất và cung ứng để đảm bảo chất lượng đầu vào. Sử dụng các loại phân bón phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của cây theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (được phép), đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách, tăng cường sử dụng các biện pháp sinh học theo tình hình phát sinh và gây hại của sâu bệnh. Tuy vốn lớn nhưng không phải phụ thuộc vào thời tiết do BĐKH, vì vậy năng suất và chất lượng hoa của gia đình anh được đảm bảo. Năm 2016 thu nhập của gia đình anh là khoảng 5 tỷ, đến năm 2017 vụ hoa tết vừa rồi anh cũng thu nhập gần 10 tỷ. Anh Giỏi vui mưng khoe, trừ giống vốn cũng lãi được vài tỷ một năm. Kinh tế gia đình khá giả lại tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người nên gia đình anh rất vui.
Hiện tại việc sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ứng phó với BĐKH đang là hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp của tỉnh Lào Cai. Để thực hiện và phát triển tốt sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đồng thời quy hoạch các vùng sản xuất có thế mạnh riêng, tỉnh Lào Cai cần trú trọng khuyến khích các hộ nông dân dồn điền, đổi thửa, góp đất, cho doanh nghiệp thuê đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng (trên cơ sở tự nguyện) để phát triển thành vùng sản xuất cây tập trung, chuyên canh ứng dụng công nghệ cao trên phạm vi vùng dự án duyệt. Tạo điều kiện thuận lợi nhất về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài để các tổ chức, cá nhân có điều kiện pháp lý vay vốn ngân hàng và yên tâm đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, cần tìm đầu ra cho các sản phẩm và mở các lớp tập huấn nâng cao trình độ cho cán bộ cũng như người dân trong sản xuất, trồng trọt ứng dụng công nghệ cao.