Trái cây - điểm sáng xuất khẩu
Được mùa xuất khẩu trái cây
Năm 2017 đã khép lại với sắc màu sáng của hoạt động xuất khẩu, khi lần đầu tiên, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 212 tỷ USD, vượt dự báo hơn 10 tỷ USD.
Riêng xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đóng góp hơn 36 tỷ USD. Trong đó, sau khi mang về 3,5 tỷ USD giá trị xuất khẩu, rau quả được dự báo tiếp tục tỏa sáng trong năm 2018.
Thanh long Việt Nam đã tìm được chỗ đứng vững chắc ở thị trường nước ngoài. |
Lô hàng gồm 400 thùng, tương đương 2 tấn vú sữa đầu tiên của Việt Nam đạt
tiêu chuẩn Global GAP đã xuất khẩu sang thị trường Mỹ bằng đường hàng không vào những ngày cuối tháng 12/2017, mở ra những hy vọng mới về tăng trưởng của ngành hàng rau quả trong năm nay.
Không thể không kỳ vọng khi năm 2017, lần đầu tiên, ngành rau quả đã mang về hơn 3,5 tỷ USD, tăng hơn 40% so với năm 2016.
Ngoài việc đạt dấu ấn tăng trưởng xuất khẩu cao kỷ lục, năm 2017 cũng đánh dấu là năm đầu tiên, ngành rau quả xuất siêu gần 2 tỷ USD.
“Không còn gì nghi ngờ về triển vọng cán mốc 5 tỷ USD và xa hơn là 10 tỷ USD trong vài năm tới, khi nhiều thị trường nhập khẩu khó tính, đòi hỏi tiêu chuẩn cao như Mỹ, Australia… đã ‘gật đầu’ nhập khẩu vú sữa, thanh long, nhãn, vải từ Việt Nam”, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định.
Để có được thời khắc chứng kiến lễ xuất khẩu lô vú sữa đầu tiên sang Mỹ, Việt Nam đã trải qua hơn 10 năm đàm phán căng thẳng. Là doanh nghiệp duy nhất được cấp phép xuất khẩu vú sữa sang Mỹ, đại diện Công ty TNHH Cát Tường (tỉnh Tiền Giang) cho biết, doanh nghiệp phải mất cả chục năm chuẩn bị, bởi các nhà nhập khẩu Mỹ đã đưa ra rất nhiều yêu cầu.
“Để đáp ứng yêu cầu từ phía Mỹ, chúng tôi phải đảm bảo 3 yếu tố cơ bản là vùng trồng, đóng gói và chiếu xạ, tất cả được phía Mỹ chứng nhận và cấp mã số”, ông Đoàn Văn Sang, Giám đốc Công ty TNHH Cát Tường cho biết.
Vui vì trái cây tươi chất lượng cao “đi máy bay” sang các thị trường khó tính như Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, nhưng để mang về 3,5 tỷ USD ngoại tệ từ xuất khẩu, thì hơn 70% lượng trái cây, rau của Việt Nam đã được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Lạc quan với xuất khẩu năm 2018
Là doanh nghiệp có thâm niên xuất khẩu trái cây tươi sang các thị trường Mỹ, Australia, châu Âu, ông Nguyễn Đình Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ xuất nhập khẩu Vina T&T nhận định, trái cây Việt Nam còn nhiều triển vọng để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khó tính.
“Có thể thấy, mỗi năm, Việt lại có một loại trái cây mới thâm nhập vào những thị trường đòi hòi tiêu chuẩn cao, với khối lượng lớn và đưa được đến nhiều nơi của Mỹ, Australia…”.
Đó là kết quả của công tác làm thị trường, đầu tư giống chất lượng cao, canh tác an toàn và quan trọng là các doanh nghiệp ngày càng hoàn thiện công nghệ chế biến, bảo quản trái cây tươi phục vụ xuất khẩu.
“Chẳng hạn, nếu năm 2008, thanh long của T&T xuất khẩu sang Mỹ bằng máy bay, đến năm 2014, phương tiện xuất khẩu của thanh long là tàu biển và từ đó đến nay, sản lượng thanh long xuất sang Mỹ liên tục tăng.
Hay như xuất khẩu trái nhãn sang Mỹ, nếu năm 2015, mỗi tuần chỉ xuất khẩu được 5 tấn, thì đến năm 2017 đã xuất 100 tấn/tuần, tăng gấp 20 lần. Đây là những tín hiệu lạc quan từ việc không ngừng đầu tư hoàn thiện công nghệ bảo quản, giúp trái cây xuất khẩu Việt Nam đến được những bang xa hơn của Mỹ, Australia.
Thực tế, rau quả xuất khẩu của Việt Nam có thể làm được nhiều điều lớn lao hơn và không để phụ thuộc quá lớn vào một vài thị trường. Trong đó, năm 2018, các thị trường Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản… được nhận định sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng ấn tượng hơn.
Ông Ôn Chí Cường, Giám đốc điều hành Công ty Alchon Trading LLC (Mỹ) - nhà nhập khẩu lô vú sữa đầu tiên của Việt Nam sang Mỹ khẳng định, tiềm năng của quả vú sữa tại Mỹ rất lớn. Đặc sản vú sữa hiện được khách hàng Mỹ mong chờ, nên không lo về tiêu thụ. Giá bán lẻ vú sữa tại Mỹ dự kiến ở mức trên 10 USD/kg.
Tại thị trường Mỹ, LLC là đơn vị chuyên phân phối trái cây tươi của Việt Nam và các nước Đông Nam Á vào hệ thống siêu thị của người phương Tây (trước đây, phần lớn trái cây Việt được tiêu thụ trong các siêu thị của người châu Á ở Mỹ). Lô hàng đầu tiên, Công ty đặt 10 tấn, nhưng chỉ mua được 2 tấn, nên phải chờ thêm những lô tiếp theo.
Tiếp sau Cát Tường, một số doanh nghiệp khác cũng đã có đơn hàng và sẽ xuất khẩu vú sữa đi Mỹ trong thời gian tới.
Mỹ là thị trường xuất khẩu rau quả lớn thứ 3 của Việt Nam, với giá trị xuất khẩu năm 2016 đạt 84,5 triệu USD. Trong 11 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu trái cây sang thị trường này đạt 92,6 triệu USD, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2016 và ước đạt 100 triệu USD trong cả năm 2017.
Tương lai thu ngoại tệ từ xuất khẩu rau quả, trong đó có những loại trái cây tươi có giá xuất khẩu cao như vú sữa, xoài, nhãn… không quá xa vời. Thực tế này càng được khẳng định qua chia sẻ của đại diện Công ty T&T rằng, sau khi xuất khẩu thành công dừa xiêm qua Mỹ trong năm 2017 và cạnh tranh trực tiếp với dừa Thái Lan, điều mà T&T bất ngờ là đơn hàng về quá nhiều, có thời điểm Công ty kham không nổi.
Đó là cơ sở để dự báo xuất khẩu rau quả có thể thu về 5 tỷ USD trong năm 2018.