Thủy lợi chậm đổi mới theo cơ chế thị trường
Sáng 14/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thủy lợi. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đăng đàn sau 22 ĐBQH có ý kiến góp ý vào dự thảo luật.
Đa số các ý kiến đồng tình chuyển thủy lợi phí sang giá dịch vụ, giảm gánh nặng bao cấp về thủy lợi… ĐB Phạm Văn Tuân (Thái Bình) cho rằng, công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi hiện vẫn còn nhiều tồn tại và bất cập. Chính sách đầu tư còn chưa hợp lý, chú trọng đầu tư trong xây dựng mới mà chưa quan tâm đến đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa, thiếu đồng bộ, đã ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác công trình thủy lợi....
Đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình).
Theo ĐB Tuân, thể chế chính sách và phương thức quản lý, khai thác công trình thủy lợi của ta chậm đổi mới theo cơ chế thị trường. Cơ chế quản lý mang tính nửa thị trường, nửa bao cấp, doanh nghiệp hoạt động chưa công khai, minh bạch.
Góp ý về tài chính cho thủy lợi, ĐB Tuân nhất trí với quy định chuyển đổi cơ chế từ thu thủy lợi phí sang giá dịch vụ thủy lợi để bảo đảm hiệu quả khai thác, sử dụng nước, giảm gánh nặng bao cấp từ ngân sách nhà nước cho đầu tư, xây dựng công trình thủy lợi. Việc thay đổi này phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội và nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, Quốc hội vừa ban hành nghị quyết miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, nên cần cân nhắc, nghiên cứu kỹ về tính khả thi của chính sách...
Cán bộ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang tham quan hệ thống tưới tự động tiết kiệm nước. Ảnh: Xuân Dự.
Cũng về vấn đề này, ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) nêu một loạt câu hỏi. Đó là, nếu đã tính đến giá dịch vụ thủy lợi thì người dân có quyền chọn cây trồng gì hay không? Vì điều này liên quan đến việc mua nước, sử dụng nước. “Với những công trình thủy lợi do người dân đóng góp kinh phí xây dựng thì họ có phải trả giá dịch vụ thủy lợi hay không, hay có được hoàn lại chi phí đã bỏ ra xây dựng công trình thủy lợi này hay không? Trách nhiệm cơ quan làm dịch vụ thủy lợi khi có hạn hán, lũ lụt như thế nào? Trách nhiệm bồi thường của cơ quan được tính như thế nào”, ĐB Bình đề nghị làm rõ. Một nội dung khác cũng được các ĐBQH nêu ý kiến. Chẳng hạn, ĐB Nguyễn Sỹ Hội (Nghệ An) đặt vấn đề Luật Thủy lợi, bên cạnh ý nghĩa về kinh tế thì cần chú trọng đến vấn đề an ninh quốc phòng. Ví dụ kênh Vĩnh Tế ở ĐBSCL được xây dựng đầu thế kỷ XIX ngoài mục đích phục vụ nông nghiệp thì có vị trí rất lớn về quốc phòng như bảo vệ vành đai biên giới mà cụ thể sau này trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam rất có giá trị về mặt chiến thuật tác chiến cho bộ đội.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Hội (Nghệ An)
Theo đó, ĐB Hội đề nghị trong luật này bổ sung thêm một điều có nội hàm các công trình quy mô lớn, trọng điểm về quốc phòng, an ninh, các công trình ở ven biển, vùng biên giới, hải đảo phải có tính lưỡng dụng kết hợp chặt chẽ, phục vụ SXNN với xây dựng khu vực phòng thủ. Đề nghị đó của ĐB Hội được Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tiếp thu, sẽ có nghiên cứu để bổ sung hoàn chỉnh dự án luật.