Tây Ninh: 10 ngàn hecta chờ nước tưới
Tây Ninh: 10 ngàn hecta chờ nước tưới
Hạn hán đang vào bước vào cao điểm ở phía Nam, ông Đỗ Văn Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi đã có chuyến khảo sát công tác chống hạn tại đây, trong đó Tây Ninh là điểm đến đầu tiên.
Ông Đỗ Văn Thành (đội nón cối) kiểm tra tình hình hạn hán và dự án thủy lợi vượt sông Vàm Cỏ tưới cho 10 ngàn ha vùng khô hạn nằm phía tây huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh |
Theo ông Nguyễn Thái Sơn, PGĐ Sở NN-PTNT, hàng năm hạn hán ảnh hưởng tới 10 ngàn ha đất canh tác phía tây huyện Bến Cầu. Trong khi đó, ở Tây Ninh hệ thống thủy lợi chỉ đáp ứng nhu cầu tưới cho các cánh đồng có diện tích hơn 50 ngàn ha, nằm chủ yếu phía đông sông Vàm Cỏ, gồm các huyện Tràng Bảng, Gò Dầu, Dương Minh Châu.
“Hệ thống thủy lợi kênh tưới ở hai huyện Tân Biên, Tân Châu đang được mở rộng, cũng vừa mới nghiệm thu xong cách đây 1 năm. Nói chung thủy lợi phía đông tương đối hoàn chỉnh, khô hạn tập trung ở khu vực phía tây của tỉnh”, ông Sơn nói.
Đến nay, tỉnh đã xây dựng được các trạm bơm tưới, nhưng vẫn không đủ nước tưới cho khoảng 16 - 20 ngàn ha, vốn phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời, đặc biệt là các xã giáp biên giới Campuchia như Long Phước, Long Thuận, Long Khánh, Tiên Thuận luôn trong tình trạng “nắng nóng”.
Khi hành trình khảo sát của đoàn bắt đầu từ điểm kênh số O, cầu T21, ông Đỗ Văn Thành chỉ vào đầu kênh này cho biết, đây là điểm đầu để đặt ống dẫn nước bằng bê tông về phía tây, đến kênh cuối làm cầu máng và đường ống thép vượt sông Vàm Cỏ.
Đây là dự án thủy lợi gần 1.000 tỷ đồng, dự kiến ngày 27/4 tới địa phương sẽ làm lễ động thổ khởi công, nhằm giải quyết nguồn nước tưới cho khoảng 10 ngàn ha đất khô hạn nằm phía tây huyện Bến Cầu.
Hiện chỉ có một số ít công trình thủy lợi ven sông Vàm Cỏ, không đủ nguồn nước tưới cho cả vùng khô hạn phía tây giáp biên giới, nên phải lấy nước từ kênh chính hồ Dầu Tiếng sang. Muốn vậy, phải nâng cấp kênh chính lên, hiện giờ áp lực nước chỉ có 5 - 6 m3/giây, phải đưa lên 12 - 14 m3/giây mới giải quyết tưới được 10 ngàn ha.
“Trước kia, chưa có bổ sung nguồn nước hồ Dầu Tiếng, Phước Hòa thì chưa nghĩ đến dự án này. Hiện nay, ngành nông nghiệp địa phương chỉ có thể giải quyết cục bộ một số vùng khô hạn bằng các trạm bơm thủy lợi nhỏ”, ông Thành nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thái Sơn cho biết, dự án vượt sông này có vốn đầu tư 997 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương cấp 70%, còn lại 30% là của tỉnh, dự kiến hoàn thành trong thời gian 5 năm.
Vẫn theo ông Sơn, thời gian qua ngành nông nghiệp tỉnh bàn tới, bàn lui vì có hai cái lo cho dự án. Thứ nhất, vốn ít nên bê tông hóa không toàn diện suốt tuyến kênh mà chỉ bê tông hóa và cầu máng chỉ một số đoạn, còn một số đoạn ít xung yếu thì phải làm bằng kênh đất. Mà làm kênh đất thì hệ thống thoát nước cao, sợ cuối nguồn nước phục vụ sẽ không được dồi dào.
Thứ hai, đường ống thép vượt sông dài gần 300m, đường kính 2,5m phải là của Nhật sản xuất, nên phải thường xuyên kiểm tra qui trình vận hành, từ khâu nhập khẩu, vận chuyển, cuộn ống... nhằm đảm bảo chất lượng của kết cấu ống.