Nhiều doanh nghiệp rót thêm tiền vào "miền đất hứa" nông nghiệp
Nhiều doanh nghiệp rót thêm tiền vào "miền đất hứa" nông nghiệp
Nông nghiệp ngày càng được chú trọng hỗ trợ và phát triển từ Chính phủ, nhiều doanh nghiệp đã không ngại lấn sân và đầu tư lớn cho nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao.
Bức tranh nông nghiệp 6 tháng đầu năm tươi sáng
Năm 2016, ngành nông nghiệp nước nhà đã phải đối mặt với nhiều khó khăn về thời tiết, thiên tai. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2017, các lĩnh vực chủ chốt của ngành nông nghiệp như trồng trọt, thủy sản, lâm nghiệp… cũng như tình hình xuất khẩu nông sản đều khởi sắc, giúp toàn ngành vực dậy được đà tăng trưởng ở mức 2,65% đồng thời đóng góp 0,43 điểm phẩm trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.
Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, 6 tháng đầu năm 2017, tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành đạt 17,1 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2016. GDP toàn ngành theo tính toán tăng 2,65%.
Trong đó, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực đạt 9,1 tỷ USD. Đáng ghi nhận nhất ngành hàng rau quả trong 6 tháng đạt kim ngạch xuất khẩu 1,7 tỷ USD, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2016.
Nhờ các chính sách hỗ trợ nông nghiệp của Chính phủ, tính đến cuối tháng 5/2017, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn đạt 1.148 nghìn tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2016, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung. Dư nợ phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn chiếm 19% tổng dư nợ nền kinh tế. Bình quân 7 năm, tốc độ tăng trưởng dư nợ trong lĩnh vực này đạt 19,35%.
Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nông nghiệp được ban hành như hỗ trợ về lãi suất cho vay trung, dài hạn bằng VND thấp hơn 0,5%-1,5%/năm so với mức lãi suất cho vay thông thường; NHNH đã giảm trần lãi suất cho vay từ 7% xuống còn 6,5% cho 5 lĩnh vực ưu tiên, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn; các NHTM sẽ chủ động xem xét cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ 1 lần, giảm lãi vay, lãi quá hạn, ưu tiên thu nợ gốc trước,…
Nông nghiệp thời đại công nghệ cao
Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế Nguyễn Quốc Hùng trong một buổi hội thảo gần đây cho hay, sau khi Chính phủ ra Nghị quyết 30 trong đó đề cập đến gói 100.000 tỷ đồng cho vay nông nghiệp công nghệ cao vào đầu tháng 3/2017 thì dư nợ cho vay nông nghiệp công nghệ cao đã tăng từ 3.700 tỷ lên hơn 32.300 tỷ đồng. Như vậy, dư nợ cho vay nông nghiệp đã tăng 8,7 lần trong chưa đầy nửa năm.
Phần lớn trong gói hỗ trợ này là các khoản vay phục vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với 27,7 ngàn tỷ đồng, còn vốn vay nông nghiệp sạch đạt 4,6 ngàn tỷ đồng. Đến nay đã có 4.125 khách hàng tiếp cận bao gồm 3.956 khách hàng cá nhân và 168 khách hàng doanh nghiệp.
Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp Việt đang là xu hướng chung và là chủ trương của Chính phủ. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp lớn đã tiến hành đầu tư nông nghiệp bài bản với quy mô lớn như Vingroup, PAN Group, Hoàng Anh Gia Lai, Lộc Trời, NutiFood,
Nổi bật là PAN Group với các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu đi hơn 20 quốc gia trên thế giới và đang tiếp tục đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng vào nông nghiệp thông qua các thương vụ M&A.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch tập đoàn PAN cho biết trong xu hướng nhiều nhà đầu tư rót tiền vào lĩnh vực nông nghiệp, tập đoàn sẽ chọn giải pháp liên kết và nâng cao trình độ nông dân. Điển hình, PAN Farm – mảng kinh doanh đang xuất khẩu sản phẩm hoa đi Nhật Bản, với giá bán gấp 10 lần ở thị trường nội địa vừa huy động 400 tỷ đồng thành công từ IFC, quỹ Đầu tư tăng trưởng Việt Nam Daiwa – SSIAM, và Công ty chứng khoán SSI.
PAN Farm đã nhận được thêm vốn từ IFC, quỹ liên doanh Daiwa SSI và CTCP Chứng khoán SSI
Mới đây, đến lượt Công ty NutiFood đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng vào Đắk Lắk làm nông nghiệp công nghệ cao, thông qua việc mua 25% cổ phần của Công ty Cà phê Phước An (Đắk Lắk). Được biết, đơn vị này đang quản lý 1.400 ha cà phê đạt chứng nhận UTZ Certified, NutiFood hướng đến trở thành nhà đầu tư chiến lược duy nhất của một doanh nghiệp nhà nước đầu tiên tại Đắk Lắk thực hiện thí điểm cổ phần hóa.
Trong khi đó tại ĐHCĐ thường niên năm 2017 của CTCP Đầu tư Phát triển Công nghệ Điện tử Viễn thông (HoSE: ELC) ngày 24/04 xác định đẩy mạnh nông nghiệp cao, duy trì tỷ trọng mảng nông nghiệp cao trong cơ cấu doanh thu của ELcom.
Ông Phan Chiến Thắng – Chủ tịch HĐQT Elcom cho biết, đối với mảng nông nghiệp công nghệ cao, Elcom đã ghi được nhiều dấu ấn, đặc biệt Elcom đã xây dựng thành công cơ sở dữ liệu nông nghiệp trên cloud, các giải pháp nhà kính đã được xây dựng. Trong năm 2017, Elcom sẽ hoàn thành 2 mẫu nhà màng đáp ứng trồng nhiều loại cây. Về mặt tổ chức, Elcom sẽ hoàn chỉnh bộ máy từ giải pháp, thiết kế, sản xuất, thi công, quản lý chất lượng để sẵn sàng tung sản phẩm ra thị trường từ quý III/2017 và cung cấp hàng loạt từ năm 2018.
Còn trong ĐHCĐ thường niên 2017, CTCP Giống cây trồng Trung ương (Vinaseed) xác định không chỉ trở thành một tập đoàn giống cây trồng có thị phần và quy mô lớn nhất cả nước mà còn định hướng trở thành Tập đoàn cung cấp giải pháp nông nghiệp phát triển bền vững ứng dụng công nghệ cao.
Bà Trần Kim Liên, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vinaseed cho biết, chính sách vĩ mô thay đổi rất nhiều từ chính sách đất đai, chương trình tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa nông nghiệp công nghệ cao, chính sách khuyến khích về khoa học công nghệ, đặc biệt chính sách tín dụng, xúc tiến thương mại là những cơ hội lớn cho các công ty nông nghiệp.
Ngoài ra, vào cuối tháng 7 tới đây, một doanh nghiệp lớn trong ngành nông nghiệp - Tập đoàn Lộc Trời chuẩn bị giao dịch trên Upcom vào ngày 24/7 tới đây. Lộc Trời có chuỗi giá trị nông nghiệp từ giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật, sản phẩm dinh dưỡng hữu cơ sinh học, sản phẩm gạo, đóng gói bao bì, tạo ra một vòng đời khép kín cho sản phẩm đang rất được quan tâm.
Trước đó, Lộc Trời đã ký kết với tập đoàn Thaco đầu tư Dự án công nghiệp hóa nông nghiệp và vận hành chuỗi khép kín sản xuất, thu hoạch, chế biến, vận chuyển, phân phối các sản phẩm nông nghiệp tại 2.000ha diện tích đất thuộc huyện Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình với vốn đầu tư 7.800 tỷ đồng.
Lộc Trời ký kết hợp tác với Thaco
Lấn sân và mạnh dạn mở rộng quy mô nông nghiệp
Khi nông nghiệp đang được chú trọng thì có không ít doanh nghiệp muốn bước chân vào mảng hoạt động này, ngay cả đối với một công ty thầu xây dựng như CTCP Xây dựng và Phát triển Đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (HoSE: UDC). Được biết, UDC vừa chốt danh sách thực hiện lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc bổ sung lĩnh vực kinh doanh của Công ty là nông nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan vào ngày 14/07/2017.
Trong khi UDC lấn sân thì NDF lại mạnh dạn đầu tư thêm. Cụ thể, trong cuộc họp HĐQT ngày 3/7/2017, CTCP Chế biến Thực phẩm Nông sản Xuất khẩu Nam Định (HNX: NDF) cho thấy tham vọng muốn dấn sâu vào ngành nông nghiệp khi tiến hành thành lập và đầu tư hàng loạt công ty hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Như, NDF sẽ hợp tác với Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ Việt Nam thành lập Công ty TNHH Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Vifarm Việt Nam tại Bà Rịa – Vũng Tàu và hợp tác với Công ty TNHH Vietponic thành lập Công ty TNHH Nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao Smart Agri Đà Lạt tại tỉnh Lâm Đồng.
Đồng thời, NDF cũng thông qua việc mua 90% vốn của CTCP Thực phẩm Red Foods tại Hà Nội với giá trị 1,8 tỷ và cũng sẽ mua 80% vốn của Công ty TNHH Thực phẩm và Đồ uống Nam tại TP. Hồ Chí Minh với giá trị 4,8 tỷ đồng.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2017, Ban lãnh đạo Chè Hiệp Khánh (HNX: HKT) cũng đã bàn đến chuyện tái cấu trúc Công ty. Theo đó HKT sẽ cơ cấu lại Công ty theo mô hình công ty mẹ - công ty con, tăng cường hợp tác liên doanh, liên kết với các tập đoàn, doanh nghiệp để góp phần mở rộng quy mô, tăng trưởng vốn và mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh, cũng như khai thác các lợi thế vùng nguyên liệu và các lợi thế về kênh phân phối sản phẩm.
Không chỉ chuyển đổi, cơ cấu sang lĩnh vực nông nghiệp, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp còn đẩy mạnh nâng vốn khi có kế hoạch lên sàn chứng khoán. Điển hình, CTCP Đầu tư Sao Thái Dương (HoSE: SJF) vừa đăng ký niêm yết 66 triệu CP trên HoSE. Được biết cuối năm 2016, SJF đã cho ra mắt thương hiệu sản phẩm sạch Sunstar Lacto Farm - phân phối các loại nông sản đa dạng gồm chè, cam, thanh long, dưa lưới, rau củ... Nhà máy tre công nghiệp BWG Mai Châu đã vận hành thử nghiệm đầu năm 2017. Nhà máy ván dăm Việt Nga Hòa Bình cũng đang được đẩy nhanh tiến độ.
Nông nghiệp là ngành có biên lợi nhuận thấp và rủi ro về thiên tai cũng như cung cầu. Đầu tư nông nghiệp không phải là điều dễ dàng đặc biệt là nông nghiệp quy mô lớn. Mặc dù vậy với các chính sách ưu đãi thuế và tín dụng vào ngành nông nghiệp, mảnh đất này vẫn đang rất hấp dẫn dòng vốn đầu tư.