Đà Lạt trồng rau thủy canh
Rau sạch được trồng trong những đường ống dẫn nước. Đến kỳ thu hoạch, nông dân chỉ cần nhẹ nhàng kéo thân cây rau ra khỏi ống, cắt bỏ rễ và chuyển đến điểm bán.
Toàn bộ cây rau, ngoại trừ bộ rễ, đều có thể ăn được mà không cần sơ chế.
Đó là câu chuyện đang diễn ra tại một số nông trại lớn của TP Đà Lạt. Khác với những vườn rau truyền thống: lá rau thường lấm lem bùn đất, phải dùng nước rửa sạch trong quá trình sơ chế; những cây rau được trồng bằng công nghệ thủy canh có vẻ bề ngoài sạch, tươi như thể trên những lá rau không hề dính bụi.
Rau canh tác theo công nghệ thủy canh chủ yếu là các loại rau lá.
Dùng nước thay đất
Những nông dân đầu tư trồng rau sạch bằng công nghệ thủy canh đều là những người già dặn trong lĩnh vực sản xuất rau sạch, thâm niên hơn 10 năm.
Hiện ở Đà Lạt có khoảng 10 nông trại lớn đã sản xuất rau thủy canh thành công và đang nhập thiết bị để mở rộng sản xuất. Các chủ nông trại cho biết họ muốn tạo ra một phân khúc mới trong thị trường nông sản sạch với các tiêu chí như: rau ăn ngay không cần sơ chế và dư lượng phân thuốc được kiểm soát ở mức tối đa.
Tuy nhiên, sau nhiều năm mày mò thực hiện đều gặp khó khăn do chất lượng đất canh tác nông nghiệp đang bị suy thoái. Những nông dân dày dạn kinh nghiệm quyết định đầu tư vào công nghệ thủy canh - tạo ra nông sản sạch, bán được giá - dù khá tốn kém.
Theo tính toán chung của các chủ vườn canh tác rau thủy canh: trên cùng một diện tích đất, đầu tư trồng rau thủy canh sẽ tốn kém hơn trồng rau trên giá thể khoảng 40% do chi phí nhập giống và thiết bị cao.
Để trồng thủy canh cần nhà kính kiên cố, hệ thống xử lý nước tuần hoàn và những ống nước đã được đục lỗ đủ để bỏ những khay nhỏ chứa cây giống vào.
Nước được pha sẵn dinh dưỡng theo đường ống chảy ngang qua khay chứa cây rau một lượng vừa phải, đủ ướt rễ cây và cung cấp chất dinh dưỡng để cây phát triển.
Đa số công đoạn canh tác rau thủy canh được thực hiện tự động. Do không dùng đất nên phân bón không bị tồn dư trong đất, người trồng kiểm soát hoàn toàn lượng dinh dưỡng bón cho cây, sao cho chỉ vừa đủ nuôi cây theo những công thức có sẵn mà các công ty cung cấp giống khuyến cáo.
Tại nông trại của Công ty Kim Bằng (P.7, TP Đà Lạt), hàng nghìn luống rau mơn mởn mọc cách biệt hoàn toàn với mặt đất. Ở nông trại này có khoảng 80 giống rau xà lách.
Đứng trong nhà kính nếu chú ý lắng nghe sẽ nghe tiếng nước chảy nhè nhẹ. Bà Nguyễn Thị Huệ, người điều hành hoạt động nông trại, cho biết bà trồng rau đã 20 năm. Cách đây hai năm, khi nhận thấy chất lượng rau sạch trồng trên đất đi xuống, bà đã bỏ ra nhiều tiền để cải tạo đất.
Thậm chí phải thay lớp đất bề mặt bằng một lớp đất mới chở từ nơi khác tới, nhưng chất lượng rau vẫn không cải thiện.
“Khi phân tích mẫu rau trưởng thành, dù các thông số đều nằm trong ngưỡng cho phép nhưng chúng tôi vẫn không đạt được ý đồ tạo ra một loại rau sạch có dư lượng phân bón gần như bằng 0” - bà Huệ chia sẻ.
Bà Huệ kéo một cây xà lách ra khỏi đường ống nước dinh dưỡng để lộ ra bộ rễ trắng nõn. Bà nói: “Cây rau này chỉ cần cắt bỏ phần rễ là có thể ăn ngay. Kỹ tính thì nhúng sơ rau vô nước để loại bỏ bụi li ti trong không khí. Vì hoàn toàn không dùng đất nên rau sạch ngay từ khi trồng”.
Chật vật học công nghệ
“Tỉ lệ rau bị bệnh khi trồng bằng phương pháp thủy canh rất thấp. Nếu cây nào bệnh thì rất dễ cách ly. Nước được diệt khuẩn liên tục nên hạn chế việc lây bệnh cho những cây khác” - bà Phạm Thị Cúc, chủ nông trại vườn hoa Bạch Cúc (xã Đạ Nghịt, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng), hồ hởi khoe.
Bà Cúc kể bà biết công nghệ thủy canh đã nhiều năm trước, gần đây do gặp khó khăn khi canh tác rau sạch trên đất nên bà mới tìm hiểu kỹ công nghệ này.
Bà Cúc đã đi tham quan các nông trại thủy canh tiêu chuẩn châu Âu tại Malaysia cuối năm 2014 cùng một số chủ nông trại khác. Sau chuyến đi, bà lên kế hoạch lập nông trại rau thủy canh.
Khó khăn lớn nhất là công nghệ và hệ thống canh tác. Qua giới thiệu của các công ty giống, bà Cúc nhập thiết bị từ Thái Lan. “Trong nước cũng có thiết bị nhưng không đồng bộ nên tôi phải nhập từ nước ngoài. Đặt hàng và đợi thiết bị về phải mất cả tháng” - bà Cúc kể.
Cũng theo bà Cúc, đầu tư ban đầu tốn kém hơn canh tác theo kiểu truyền thống, nhưng đa số thiết bị có thể tái sử dụng qua nhiều vụ mùa. Khó nhất là người trồng rau chưa nắm căn bản về công nghệ thủy canh và thiếu tài liệu trong nước, nên phải liên tục cầu viện chuyên gia do các công ty giống cung cấp. Điều này cũng khiến người trồng rau bị lệ thuộc vào nhà sản xuất giống.
Ông Park Nam Hong, tổng giám đốc Công ty Kbil Vina (Đạ Sar, huyện Lạc Dương), trồng dâu thủy canh sau nhiều năm trồng hoa cúc.
Khác với những trang trại lớn tại Đà Lạt, ông chọn việc nhập lại thiết bị nông nghiệp đã qua sử dụng ở Hàn Quốc và nhờ các tổ chức nông nghiệp tại đây hỗ trợ công nghệ.
Ông Hong cho rằng nhờ việc tận dụng thiết bị của Hàn Quốc nên chi phí đầu tư ban đầu của ông cho công nghệ thủy canh thấp.
“Nếu thử nghiệm thất bại, tôi cũng không mất nhiều tiền”. Ông Hong cho biết việc điều chỉnh độ ngọt của dâu khi trồng thủy canh rất dễ vì có sẵn công thức.
Ông nói thêm: “Làm nông sản thủy canh cần nhất là công thức. Các hãng giống lớn đều cung cấp công thức pha dinh dưỡng vào nước cho từng loại giống. Người trồng phải chú ý, giống tốt phải đi kèm với công thức canh tác”.
Nhờ sự hỗ trợ từ Hàn Quốc nên ông Hong thành công ngay từ lần canh tác đầu tiên. Không may mắn như ông Hong, bà Cúc và bà Huệ là những người tiên phong trồng rau thủy canh phải đánh vật với nước trong những vụ rau đầu tiên. Hai bà chấp nhận rau bị hư hỏng, phải thay giống nhiều lần để chọn được loại giống phù hợp.
Bà Huệ nói: “Trồng rau thủy canh thì người trồng phải có kỷ luật sản xuất, tuân thủ quy trình từ xuống giống, cho giống lên giàn thủy canh, đo dinh dưỡng trong nước…
Nếu không có kỷ luật thì rau sản xuất ra không đạt yêu cầu từ hình thức đến chất lượng bên trong. Quan trọng nhất, dư lượng phân bón không giảm như mong muốn. Đây là tiêu chí quan trọng của sản xuất thủy canh”.
Thu hoạch rau thủy canh rất đơn giản, không tốn nhiều công sức.
Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thấp
Ông Nguyễn Văn Sơn, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, cho biết qua các kiểm tra chất lượng, nông sản thủy canh đều có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thấp.
Không chỉ nằm trong ngưỡng cho phép của các nước Nhật, Singapore mà còn thấp hơn nhiều lần so với nông sản canh tác bằng các phương pháp khác.
Trong bối cảnh đất nông nghiệp đang quá tải, phương pháp thủy canh giảm tải cho đất, hạn chế đến 50% rác thải nông nghiệp và tiết kiệm nước đến 60%.
Chuẩn bị xuất khẩu
Tại Đà Lạt có khoảng 5ha nhà kính trồng rau thủy canh. Các doanh nghiệp sản xuất rau thủy canh ở Đà Lạt đều cho biết rau thủy canh sản xuất không đủ bán.
Giá rau thủy canh đắt gấp đôi so với giá rau cùng loại bày bán tại chợ, siêu thị. Rau chủ yếu bán cho các cửa hàng rau sạch tại các tỉnh thành, chủ yếu là Hà Nội và TP.HCM.
Một lượng lớn khác được bán vào các nhà hàng, khách sạn cao cấp hoặc các du thuyền du lịch dài ngày.
Các trang trại trồng rau thủy canh đều cho rằng thị trường trong nước chỉ là bước đầu, thăm dò sự chú ý của người tiêu dùng và giới thiệu với các đối tác xuất khẩu.
Bà Huệ cho biết: “Thị trường Singapore, Nhật rất chuộng rau lá sản xuất thủy canh. Tuy nhiên, muốn xuất khẩu phải có công nghệ xử lý sau thu hoạch.
Công nghệ sau thu hoạch của Đà Lạt chưa đảm bảo. Rau lá thủy canh thường chỉ đạt chất lượng tốt nhất trong bốn ngày sau khi cắt gốc”.