Bước tiến trong xây dựng nông sản sạch ở ĐBSCL
Bước tiến trong xây dựng nông sản sạch ở ĐBSCL
Với những giải pháp mang tính đột phá, ngành Nông nghiệp ĐBSCL đã nhanh chóng tạo nên diện mạo mới cho các vùng nông thôn và là tiền đề quan trọng để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, đáp ứng tốt hơn yêu cầu thị trường, nâng cao giá trị thu nhập cho người sản xuất trong thời kỳ mới. Các mô hình tham gia chuỗi nông sản an toàn theo hướng gắn kết sản xuất với tiêu thụ một cách khoa học.
Thời gian qua, được hỗ trợ và khuyến khích phát triển, các địa phương vùng ĐBSCL ngày càng hình thành nhiều mô hình sản xuất rau an toàn, sản xuất lúa gạo, trái cây và thủy sản theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… Các mô hình sản xuất này đã giúp đưa ra thị trường nhiều sản phẩm nông sản sạch, an toàn cho sức khỏe người sử dụng, đồng thời giảm các tác động xấu đến môi trường. Theo nhiều nông dân tham gia các mô hình sản xuất sạch, lợi nhuận của họ cũng được cải thiện vì tiết giảm được phân thuốc, vật tư đầu vào… trong quá trình sản xuất. Ngoài ra, nông dân còn tăng thêm lợi nhuận khi nhiều doanh nghiệp tham gia bao tiêu sản phẩm đầu ra với giá cao hơn thị trường do sản phẩm có chất lượng tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và có thể truy xuất nguồn gốc.
Để gắn kết giữa sản xuất với tiêu thụ, các ngành của tỉnh đang liên kết với các bếp ăn tập thể, các đầu mối tiêu thụ nông sản sạch trong và ngoài tỉnh để tìm đầu ra cho sản phẩm chuỗi. Ông Ngô Minh Long, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Hiện chúng tôi đang chờ thẩm định kinh phí để đi vào sản xuất. Ngành khuyến nông và quản lý chất lượng sẽ tham gia giúp nông dân trong chuỗi từ việc thu mẫu đất, nước gửi phân tích đến các chương trình tập huấn chuyển giao kỹ thuật, in ấn tài liệu, tem nhãn sản phẩm. Tới đây, chúng tôi sẽ tổ chức cho nông dân tham quan học hỏi kinh nghiệm về các mô hình canh tác nông sản sạch ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ngay từ bây giờ, ngành nông nghiệp sẽ tạo mọi điều kiện để gắn kết khâu sản xuất với tiêu thụ. Ngành sẽ làm cầu nối liên kết để nông dân đưa được các sản phẩm rau, củ, quả đang sản xuất trong chuỗi đến với các cửa hàng bán thực phẩm an toàn”.
Bên cạnh đó, ĐBSCL, nông dân chủ yếu bán hàng thông qua thương lái, thiếu các kênh phân phối bán hàng riêng. Các sản phẩm này cũng chưa được đóng gói và có bao bì, nhãn hiệu để giúp người tiêu dùng phân biệt với các sản phẩm được sản xuất theo quy trình thông thường… Đáng ngại hơn, đôi lúc sản phẩm làm ra không được hấp dẫn người tiêu dùng. Nguyên nhân do sản phẩm không tươi tốt và có màu sắc sáng đẹp như các loại rau cải thông thường vì phải tuân thủ các quy trình bón phân, xịt thuốc để đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Tương tự, nhiều mô hình sản xuất sạch đối với lúa gạo, trái cây và thủy sản, đa số nông dân chỉ gặp thuận lợi về đầu ra sản phẩm khi có liên kết, bao tiêu của doanh nghiệp. Từ đây, các sản phẩm sạch mới được doanh nghiệp đóng gói, dán nhãn mác trước khi đến tay người tiêu dùng.
Tuy nhiên, hiện nay mức độ tham gia của doanh nghiệp vào việc liên kết với nông dân để phát triển các mô hình sản xuất nông sản theo các tiêu chuẩn sạch vẫn còn khiêm tốn do doanh nghiệp cũng gặp khó trong việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản sạch ở thị trường trong và ngoài nước. Đó là chưa kể doanh nghiệp còn gặp các khó khăn về tài chính và năng lực thu mua hàng, nhất là lúc bước vào mùa thu hoạch rộ… Nếu nhân rộng các mô hình nông sản sạch, doanh nghiệp rất cần cơ chế, chính sách ưu đãi về vốn, đặc biệt là cần có chính sách và lộ trình thắt chặt và tiến tới chấm dứt việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản không được sản xuất theo các tiêu chuẩn “sạch” tại thị trường nội địa. Có như vậy, đầu ra các sản phẩm nông sản sạch mới rộng mở và có được tương lai tươi sáng.
An toàn vệ sinh thực phẩm đang trở thành vấn đề rất bức thiết. Việc hỗ trợ tối đa về đầu ra cho các sản phẩm nông sản sạch cũng là điều cần được quan tâm mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Thách thức mà các nhà quản lý, doanh nghiệp và nông dân ĐBSCL đã và đang đối mặt là tính cạnh tranh đối với các mặt hàng nông, thủy sản chất lượng cao, giá rẻ và dịch vụ tốt trên thị trường ngày càng gay gắt khi nước ta hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu. Khi đó, các hàng hóa như lúa gạo, cây ăn trái, rau màu, các sản phẩm từ chăn nuôi và thủy sản của ĐBSCL cũng như cả nước sẽ phải cạnh tranh gay gắt trên cả sân nhà lẫn sân khách.